Mật khu Đỗ Xá

Mật khu Đỗ Xá

Ðề Lô Cao Cấp

Đỗ-xá, một vùng rừng núi hiểm-trở, nằm giữa ranh-giới của 3 tỉnh Quảng-nam, Quảng-tín, và Kontum. Địa-hình nơi đó được vẽ bằng những đường đỉnh cong-queo màu nâu sậm, chứ không phải là những vòng cao-độ như những cao-đỉểm khác mà ta thường thấy trên bản-đồ.

Từ thời chiến-tranh Đông-dương lần thứ nhất (1945-1954) cho đến khi cuộc chiến Đông-dương lần thứ nhì (1960-1975) bắt đầu, và kéo dài mãi đến thời điểm của bài này (1963), Đỗ-xá là một mật-khu bất-khả xâm-phạm của quân Cộng-sản. Không một đơn-vị nào của Quân-đội PhápViệt (1945-1954) hoặc của QLVNCH (1960-1963) có thể vào nơi đó. Nhờ địa-thế hiểm-trở với núi rừng bao bọc, dễ thủ khó công nên các đơn-vị quân-đội quốc-gia muốn hành-quân vào Đỗ-xá đều thất bại. Với những lợi-đỉểm trên, Cộng quân đã coi Đỗ-xá là một an-toàn-khu và đã dùng nơi đó làm một hậu-cần to lớn để cất dấu lương-thực, vũ-khí, đạn-dược, cùng xây cất quân-y-viện, và đây cũng là nơi dưỡng-quân lý-tưởng cho bọn chúng.

Vì nghĩ rằng nơi đây là vùng bất-khả xâm-phạm nên Việt-cộng chỉ dùng một số quân nhỏ để bảo-vệ mật-khu. Nếu chúng ta tấn- công đại-qui-mô vào thì sẽ bị đánh bật ra ngay như chúng ta và quân Liên-hiệp-Pháp đã từng bị.

Để phá tan mật-khu Ðỗ-xá, bộ Tổng-tham-mưu QLVNCH, đã lập kế-hoạch hành quân (chiến-dịch Đỗ-xá) bằng cách điều-động các đơn-vị của Quân-đoàn 1 và Quân-đoàn 2 làm lực-lượng án-ngữ, (Blocking forces) bao vây vòng ngoài của mật-khu, và Lữ-đoàn TQLC/VN làm lực-lượng xung-kích (main force) đánh vào Đỗ-xá. (Liên-đoàn TQLC/VN đã được nâng lên cấp Lữ-đoàn từ đầu năm 1962, dưới sự chỉ-huy của Trung-tá Lê-nguyên-Khang làm Tư-lệnh, và Tư-lệnh Phó kiêm Tham-mưu-trưởng là Thiếu-tá Nguyễn-bá-Liên, hai vị này vừa được vinh thăng ngày 1/4/1963; TQLC vẫn còn thống-thuộc Hải-quân VN).

Để thi-hành nhiệm-vụ, Lữ-đoàn TQLC đã xử-dụng các đơn-vị như sau:

– Tiểu đoàn 2 do Ðại-úy Nguyễn Thành Yên, Tiểu đoàn trưởng.

– Tiểu đoàn 4 do Ðại-úy Bùi Thế Lân, Tiểu đoàn trưởng.

– Tiểu đoàn Pháo binh do Ðại-úy Nguyễn Văn Trước, Tiểu đoàn trưởng.

– Pháo đội A sơn-pháo 75 ly do Trung-úy Ðoàn Trọng Cảo, Pháo đội trưởng

– Bộ chỉ huy Lữ-đoàn.

Lực-lượng Mủ-xanh được đặt dưới sự điều-động của Tư-lệnh và Tư-lệnh phó.

Toàn-bộ quân-số và quân-dụng dành cho cuộc hành quân nầy được không vận bởi không quân sự Hoa-kỳ loại C123 từ Saigon đến phi-trường Quảng-Ngãi, sau đó di-chuyển bằng đường bộ đến phi-trường quận Trà-mi tỉnh Quảng-tín, và sau cùng thì nhảy diều-hâu (một chiến-thuật cảm-tử; nhảy xuống ngay đầu của địch-quân và đánh từ trong lòng địch đánh ra, đôi khi phải cân-chiến nếu cần), vào Đỗ-xá với loại trực-thăng H21 của Lục-quân Hoa-kỳ. Đây là một loại trực thăng cũ-kĩ, mỗi lần chuyên -chở được khoảng 8 chiến-binh với đầy đủ vũ-khí. Đợt đỗ quân đầu tiên mấy ‘’con sâu rọm’’ (H21) còn sung-sức nên nó cỏng nổi 8 cọp-biển cùng một lúc, nhưng qua đợt 2 thì chỉ còn chở nổi 5 thủy-thần, và đến những đợt sau nó chỉ còn mang nổi có 3 chiến-sĩ mũ-xanh. Bộ chỉ huy tiểu-đoàn đi vào đợt 3. Toán tiền sát của tôi gồm 5 người, nhưng khi lên trực-thăng chỉ có tôi, người hiệu-thính-viên và một cận-vệ, còn 2 anh ‘’nồi-niêu xoong chảo’’ (hỏa-đầu-quân) phải đi chuyến sau. Vì sức chở của H21 quá yếu như vậy, nên bộ Tư-lệnh đã xin thượng-cấp liên-lạc với TQLC/HK để được chuyển quân bằng những chiếc trực-thăng H34 tối tân hơn. Nhờ vậy mà cuộc hành-quân trực-thăng-vận đã hoàn-tất vào khoảng 4 giờ chiều. Đóng quân tại bãi đỗ-bộ một đêm, sáng hôm sau, đoàn quân lên đường tiến chiếm các mục-tiêu ấn-định. Bản doanh của bộ Tư-lệnh LÐ đóng tại một trung tâm đỉnh núi.

Người viết và Chuẩn-úy Thạnh mập (xin chuyển qua Pháo-binh Nhảy-dù sau khi tái-ngủ cho đến năm 1975) được chỉ-định làm tiền-sát pháo-binh cho TD4/TQLC của Đại-úy Bùi-thế-Lân. Tôi đi với cánh A tiểu-đoàn-trưởng; Thạnh mập đi cánh B tiểu-đoàn phó, do Đại-úy Tôn-thất-Soạn chỉ huy. Tiểu-đoàn được chia làm 2 cánh, cánh B do Ð/u tiểu-đoàn-phó chỉ-huy đi trên đỉnh, Bộ chỉ-huy tiểu-đoàn cùng 2 đại-đội đi chính-giữa, lưng chừng núi. Để bảo-vệ BCH/TĐ ông TĐT đã cho một đại-đội đi sát chân núi. Địa-thế quá hiểm-trở, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, lỡ trật tay là rơi xuống vực ngay. Chúng tôi phải men theo con đường độc-đạo do toán xích-hầu dùng dao chặt cây để mở đường, đôi khi phải luồn dưới rễ cây mà tiến tới. Sau khi chiếm trọn mọi mục-tiêu chỉ-định mà không có đụng độ, có lẽ các đơn-vị trú phòng của địch quân biết rằng không thể chống cự được với đoàn quân Cọp-biển nên không dám nghênh chiến, và đã rút đi, Tiểu-đoàn được dừng quân nghỉ ngơi lấy sức.
Chúng tôi đóng quân tại một nơi, mà dưới chân núi có một con suối lớn chảy qua. Ông Tiểu-đoàn-trưởng đã điều động đại-đội đi phía dưới lội qua bên kia suối, và bảo Đai-đội-trưởng cắt một trung-đội làm tiền-đồn nơi cao-điểm, còn bộ chỉ-huy thì lùi thấp xuống phía dưới để được gần con suối hơn.

Sau khi bố-trí quân, Đại-Úy Lân ra lệnh cho các Đại-đội-trưởng, ban 3 và 2 Tiền-sát-viên Pháo-binh xác-định điểm đứng. Vì địa-hình quá giống nhau giữa những ngọn núi, mà bản đồ không có vẽ vòng cao-độ, chỉ có đường đỉnh mà thôi, nên khi trình kết-quả không tọa-độ nào giống tọa-độ nào! Vì vậy, ông Tiểu-đoàn trưởng phải xin Bộ Tư-lệnh Lữ-đoàn cho phi cơ quan-sát L19 lên xác định giùm điểm đứng của đơn-vị. Sau khi quan-sát-viên phi-cơ cho tọa-dộ chính-xác điểm đóng quân của tiểu-đoàn, thì thấy tất cả tọa độ của mọi người đều chấm sai cả. Tọa-độ gần đúng nhất là của người Đềlô, nhưng khi đem so lại với tọa-độ điểm đứng chính-xác mà người Quan-sát-viên Phi-cơ vừa cho thì tọa-độ của anh chàng pháo-thủ nầy cũng sai đến gần một cây số (700m). Sau khi có được đỉểm đứng chính xác, ông TĐT ra lệnh cho tôi lập những hỏa-tập tiên-liệu và bắn thử cho ông xem. Sau khi tôi gởi điện-văn xin tác-xạ, Pháo-đội của ông Truòng-can, ồ không phải, xin lỗi ông Pháo-đội trưởng PÐA/ TQLC! phải gọi là Can-trường mới đúng, đã bắn chính-xác vào những điểm đã xin và ông TĐT tiểu-đoàn Kình-ngư rất hài lòng.

Trong những ngày dừng quân, chúng tôi xuống suối tắm rửa bơi lội, và cả tiểu-đoàn được tha-hồ mà ăn cá, vì dưới suối rất nhiều cá, chỉ cần một quả lựu-đạn, cả một trung-đội xơi cá mệt nghỉ. Cá suối rất to. Khi tiểu-đoàn tiếp-tục tiến quân, tôi ngửi thấy mùi thối, nhưng không biết vì sao! đến khi đi qua một chỗ sát bờ suối tôi thấy một bộ xương cá dài gần 2 thước, từ đó bốc lên một mùi hôi-thúi nồng nặc, như vậy chứng tỏ cá suối cũng có nhiều con to như cá ở biển, chỉ cần một con thì cả một tiểu-đội có thể vừa ăn cá kho vừa ăn canh cá nấu với lá tàu bay thoải mái.

Chúng tôi lần-lượt tiến chiếm các mục tiêu ấn-định. Có vài binh sĩ bị thương vì đạp phải chông. Nơi đây địch đã thiết lập rất nhiều bãi chông, và hầm chông. Ban ngày băng rừng, leo dốc. Ban đêm trải ‘’poncho’’ ngủ ở lưng-chừng núi. Điều đáng sợ nhất ở Đỗ-xá không phải là quân địch, không phải là những con muỗi rừng, cũng không phải là những cây chông mà là những con vắt . Ngửi thấy hơi người là chúng nó búng lẹ như gió, bám được chỗ nào trên cơ-thể của người chiến-binh là nó không ngần ngại bám vào để hút máu; đến khi no cằng, nó tự nhả ra, nằm lăn trên mặt đất thưởng-thức những gì nó thu-hoạch được. Nếu nó hút máu người chưa đã thì không bao giờ chịu nhả ra, ta phải dùng tay dứt nó ra; nhiều con bám chặt quá chúng ta phải dùng thuốc lá trét lên mình nó, chờ cho nó say, ta mới rứt nó ra được. Nghe mấy bà già nói rằng, nếu một con vắt chui vào lỗ tai, nó sẽ mò vào óc, đẻ một bầy vắt con trong đầu của ta, và làm cho con người bị điên hoặc chết. Điều nầy tôi không biết có đúng không? Nhưng để cho yên trí, lúc nào trước khi ngủ, tôi cũng thoa thuốc trừ muỗi khắp người, và thấm thuốc vào bông gòn rồi nhét vô lỗ tai. Đã kỹ như vậy mà tôi vẩn ‘’tránh trời không khỏi nắng’’. Khi đoàn quân đi ngang qua bản-doanh Bộ Tư-lệnh, Tiểu đoàn được lệnh dừng lại để nhận thêm tiếp-liệu-phẩm. Tiểu-đoàn-trưởng, tiểu-đoàn-phó, Sĩ-quan ban 3, và Đề-lô được lệnh vào họp để nhận lệnh hành-quân của giai-đoạn 2. Khi chúng tôi chui vào lều của Tư-lệnh LÐ, thì Trung-tá Khang hỏi tôi:

– Ông Lộc đạp phải chông hả?

– Đâu có Trung-tá!

– Sao chân ông đầy máu thế?

Nhìn xuống, tôi thấy ống quần dính đầy máu; vén lên, tôi thấy một chú vắt to bằng ngón tay cái đang bám vào đầu gối của tôi để hút máu. Tôi vội lấy gói thuốc Rugby trong túi áo trận ra, rút một điếu, xé giấy quấn, rồi lấy những cọng thuốc thoa khắp mình con vật hút máu người, chờ một lúc lâu, nghĩ rằng con vắt đã say, tôi dùng những ngón tay bấu lấy nó, rồi rứt ra, nhưng nó vẫn bám chặt vào thịt của tôi, cuối cùng tôi phải dùng đến 10 thành công-lực mới dứt dây nó ra được. Khi rứt được con con vắt ra rồi, thì máu từ đầu gối của tôi chảy ra càng nhiều, tội phải lấy cuộn băng cá-nhân quấn vào nơi vắt cắn. Chỗ đó đã để lại trên đầu gối của tôi một vết thẹo, vết thẹo nầy tôi đã mang trên ngưòi suốt mấy chục năm qua và tôi đã gọi nó : Vết thẹo Đỗ-xá.

Cuộc hành-quân dự-trù 15 ngày, tôi đã chuẩn-bị 2 cây thuốc lá Quân-tiếp-vụ loại Rugby đỏ để đủ hút trong những ngày hành-quân, nhưng sau 15 ngày leo núi băng rừng, thì có lệnh triển-hạn thêm 15 ngày nữa!! 90% lính chiến ngày xưa đều ghiền thuốc lá, và có lẽ những bạn ghiền ấy cũng biết nỗi khổ của người hút khi hết thuốc? Nó khổ sở biết chừng nào khi mình muốn hút mà trong túi không còn một điếu thuốc ! Khi tấn-công vào một điểm tiếp-liệu của địch, chúng tôi đã mừng rỡ lúc khám phá ra một kho thuốc lá của Việt-cộng. Các Cọp-biển chúng ta chia nhau những lá thuốc khô và phun khói ì-xèo. Thằng đệ-tử của tôi (các sĩ-quan thường gọi những binh-sĩ thân-tín dưới quyền một cách thân-mật = đệ-tử, và ngược lại những người lính cũng gọi cấp chỉ-huy của mình với danh-từ thân-thương = ông thầy) chạy đến trao cho tôi một điếu thuốc lá quấn sẵn, và một xấp lá thuốc khô. Sau khi rít một hơi vào, tôi ho săc-sụa vì thuốc nặng quá; tôi trả lại cho thằng đệ-tử, nhưng vẫn giữ lại những lá thuốc khô phòng khi ghiền quá thì đốt lên bập-bập cho đở cơn ghiền.

Chúng tôi tiếp tục tiến quân nhưng không có đụng độ, hành-động chính của chúng tôi lúc đó là phá hủy kho-tàng, cùng những thửa ruộng trồng lúa, bắp, khoai mì, và những hoa-mầu khác. Bên cánh tiểu-đoàn 2 TQLC có đụng-độ lẻ-tẻ và có thu-hoach nhiều hơn. Các Thủy-thần bên đó đã phá-hủy được một quân-y-viện rộng lớn, bắt sống được 1 quân-y-sĩ và 4 y-tá của địch; tịch thu rất nhiều y-dược và dụng cụ y-khoa, cùng trung tâm truyền tin và điện đài, những trại nhà cho quân đội CS trú ngụ.

Sau một tháng dẫm nát mật khu Đỗ-xá, toàn-bộ Lữ-đoàn TQLC hành-quân được trực thăng bốc về Quận-lỵ Sông-cầu, ở phía nam đèo Cù-mông, tỉnh Bình-định, để dưỡng quân, sau đó tiếp-tục hành-quân vào vùng mật-khu An-lão của Việt-cộng.

Sự tiến-chiếm mật-khu Đỗ-xá của những Thủy-thần Mũ-xanh, trong chiến-dịch Đỗ-xá năm 1963, tuy chỉ thu-hoạch một kết-quả rất khiêm-nhường, nhưng đó là bước khởi đầu cho các Thiên-thần Mũ-đỏ của Sư-đoàn Nhảy-dù VN. cùng các Sơn-thần Mũ-nâu của Quân-đoàn 2 sau nầy nhảy vào Đỗ-xá nhiều lần; và họ đã thu-đoạt được nhiều kết quả về nhân mạng cũng như quân trang, quân-khí của địch quân.

Đỗ-xá không còn là một an-toàn-khu của Cộng-sản nữa.

Hồ muối, mùa đông 2002.
Đềlô Cao-cấp.